ĐỊNH KIẾN GIỚI: LIỆU GIỚI TÍNH CÓ ĐỊNH NGHĨA CON NGƯỜI CHÚNG TA?
(Bài viết đăng trong ấn phẩm "I - Xây dựng thương hiệu cá nhân" - CLB Báo chí Truyền thông Học viện Ngoại giao phát hành, số tháng 3/2020.)

“Phụ nữ nên xây dựng thương hiệu cá nhân như thế nào?” – Đây là kết quả đầu tiên hiện lên khi bạn gõ lên thanh công cụ tìm kiếm dòng chữ “giới tính trong xây dựng thương hiệu cá nhân”. Bài báo trích dẫn chia sẻ từ nữ MC cá tính Thùy Minh mà người viết xin được trích lại nguyên văn: “Thật ra cần thẳng thắn với bản thân là mình rất yếu đuối, vì bản chất của phụ nữ là phái yếu, họ thường dễ xúc động, dễ cảm thấy bất lực trước khó khăn. Nhưng khi thừa nhận bản thân mình là người yếu đuối thì lúc đấy người phụ nữ là người mạnh mẽ nhất. Một người biết mình yếu ở điểm nào thì sẽ biết cách phát huy điểm mạnh khác của mình. Bản thân trong suốt thời gian mang thai một mình và làm một bà mẹ đơn thân – theo định kiến xã hội là chuyện bi thảm với người phụ nữ, mình cho rằng câu chuyện về giới không có ý nghĩa gì ở đây, giả sử đàn ông một mình nuôi con cũng mệt mỏi hơn nhiều lần. Việc làm bà mẹ đơn thân về sau đã trở thành lợi thế của mình. Tất nhiên, đây không phải chủ ý mà là một bài toán lựa chọn do cuộc sống đem đến. Những khó khăn chỉ là tình huống để chúng ta vượt qua, dù là nam hay nữ”
Độc giả có thể gật gù tán thành với ý kiến của nữ MC, đặc biệt là ở câu cuối, khi mà có vẻ như không hề có một sự phân biệt giới tính nào ở đây. Thế nhưng, nếu xét lại chính tiêu đề của bài báo, xét lại các kết quả tìm kiếm hàng đầu thì ta sẽ dễ dàng nhận ra: không hề có một bài viết nào hướng dẫn đàn ông cách xây dựng thương hiệu cá nhân. Phải chăng đây là sự bất công cho phái nam, hay là một lối mòn mặc định rằng đàn ông nghiễm nhiên biết cách làm điều này còn phụ nữ, vì là “phái yếu”, nên cần có sự chỉ dẫn?
Hãy cùng đọc lại chia sẻ của MC Thùy Minh, cô nói rằng phụ nữ “cần thẳng thắn với bản thân mình là mình rất yếu đuối, vì bản chất của phụ nữ là phái yếu, họ thường dễ xúc động, dễ cảm thấy bất lực trước khó khăn.”. Đúng, muốn xây dựng thương hiệu cá nhân, trước tiên cần thẳng thắn với bản thân, phải hiểu rõ mục tiêu, ưu điểm, nhược điểm của bản thân, cách phát huy và khắc phục những đặc điểm đó để xây một nền móng vững chắc. Thậm chí tất cả tâm tư của cô ở những vế sau người viết cũng hoàn toàn đồng tình, nhưng tại sao chỉ bản chất của phụ nữ mới là yếu đuối?
Bản chất của con người là yếu đuối và nhỏ bé. Đã là con người thì không ai mạnh mẽ, chứ không chỉ phụ nữ. Hơn nữa, việc yếu đuối hay mạnh mẽ, là phụ nữ hay đàn ông, không liên quan đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Bản chất của việc xây dựng thương hiệu cá nhân là kiên trì theo đuổi và xây dựng những giá trị mà mình theo đuổi, những đặc điểm tính cách, phong cách thuộc về một và chỉ một người, biến nó trở thành công cụ để bản thân có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống, khiến nó trở thành “thương hiệu cá nhân” trong mắt cộng đồng. Những điều ấy phụ thuộc vào hệ tư tưởng, hệ giá trị; vào môi trường sống và mục tiêu riêng biệt của mỗi người trong cuộc sống, chứ chưa bao giờ là vấn đề liên quan để bản chất con người hay giới tính tự nhiên. Tóm lại, việc xây dựng thương hiệu cá nhân chỉ dựa trên những gì mà một cá nhân mong muốn phát triển, dựa trên những giá trị mà cá nhân theo đuổi, hay nói cách khác là dựa vào những điều cá nhân qua thời gian và rèn luyện có được, chứ không phải dựa vào những yếu tố khách quan và tự nhiên như giới tính hay bản chất của loài người.
Hãy thử quan sát một chút, và bạn sẽ nhận ra rằng yếu tố giới tính không có khả năng định nghĩa bản thân chúng ta, đặc biệt là trong một lĩnh vực đậm chất cá nhân như xây dựng thương hiệu. Giả dụ bạn là một cô gái, vì đặc điểm nghề nghiệp mà cần phải tiếp xúc nhiều với đàn ông, hay phải đi về một mình vào đêm muộn, bạn muốn xây dựng hình ảnh và thương hiệu của mình với cộng đồng là một con người có một cái đầu lạnh, quyết đoán, phong cách ăn mặc, cách nói năng, cử chỉ, hành động có chút gì đó nam tính, bởi vì điều đó sẽ giúp bạn tránh được nhiều rắc rối không đáng có mà môi trường làm việc của bạn đem lại; nhưng bạn cũng có thể là một người biết lắng nghe, biết quan tâm chăm sóc người khác, nhẹ nhàng và điềm tĩnh, khiến người khác nể trọng vì năng lực, sự công bằng và chính trực. Hay khi bạn là một chàng trai, nhưng trong mắt mọi người bạn không có những đặc điểm mà “lẽ ra phải có” của phái nam. Thay vì ăn to nói lớn, bạn trầm tĩnh nhẹ nhàng; đáng ra “phải thích những sắc màu tông lạnh và những họa tiết đơn giản” thì bạn lại luôn mặc những trang phục sáng màu, họa tiết sặc sỡ mà người ta nói là “chỉ dành cho phụ nữ”. Thế nhưng bất chấp tất cả những điều đó, bạn vẫn là bạn. Vẫn luôn nổi bật vì những ưu điểm độc đáo, tính cách trầm tĩnh giúp bạn có được sự yêu quý từ bạn bè và đồng nghiệp, công việc cũng vì thế mà thuận lợi hơn vì bạn không lan tỏa năng lượng tiêu cực cho mọi người, hơn nữa rất bình tĩnh mà tìm ra cách giải quyết mỗi khi có vấn đề nảy sinh. Phong cách ăn mặc giúp bạn luôn có được một phong thái tự tin, tích cực, mang lại ấn tượng đầu tốt đẹp khi gặp mặt khách hàng.
Hãy nhớ rằng thương hiệu cá nhân được xây dựng dựa trên nền tảng là tính cách và hệ giá trị của chính bản thân bạn, chứ không phải việc bạn nam tính hay nữ tính, yếu đuối hay mạnh mẽ, hay bất kì những đặc điểm nào mà xã hội cho là thuộc về giới này nhưng không thuộc về giới kia. Ở đây xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là cố gắng để trở thành người khác, rõ ràng bạn dịu dàng và hiền hòa nhưng vì thế này thế kia mà phải gồng mình lên để trở thành một người sắt đá và cứng nhắc ư? Tất cả những gì mà bạn cần làm là phát huy tối đa ưu điểm và khắc phục nhược điểm của mình. Tất cả, xuất phát từ chính bên trong bản thân bạn.
Xây dựng thương hiệu cá nhân chưa bao giờ là việc trở thành một người khác, cũng chưa khi nào là việc có thể được định nghĩa dựa trên giới tính hay bất kì yếu tố khách quan nào khác, vì người thành công và hạnh phúc thực sự là người tự tin sống là chính mình và luôn cầu thị, phát triển để ngày một tốt hơn.
Mọi thứ vốn cũng chỉ là những danh xưng mà con người tự mình nghĩ ra, gọi tên và đặt cho nhau. Cụm từ “xây dựng thương hiệu cá nhân” cũng tương tự như vậy, và thực chất nó chính là một trong những bước nhỏ trên hành trình khám phá bản thân của mỗi người. Vì vậy, đừng để bất kì những danh xưng nào định nghĩa con người ta, vì không một điều gì có thể làm được điều đó ngoại trừ chính bản thân chúng ta.


TIÊU CHUẨN CÁI ĐẸP: CHÚNG TA BIẾT GÌ?
(Bài viết phân tích cho VietActivism, 26/09/2020.)
Việc xã hội nhìn nhận vẻ đẹp của phụ nữ và cách họ tự nhìn nhận chính họ thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào yếu tố lịch sử, địa lý, văn hóa. Tiêu chuẩn cái đẹp (beauty standard) thay đổi qua từng thời kỳ, từng quốc gia, khu vực, nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là chưa có một thời đại nào xã hội không có tiêu chuẩn cho vẻ đẹp ngoại hình. 
Đặt các khu vực khác nhau trên thế giới lên bàn cân so sánh, dễ dàng nhận thấy tiêu chuẩn cho cái đẹp rất đa dạng. Ví dụ, ở nhiều nước châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và các nước chịu sự ảnh hưởng từ làn sóng văn hóa của nó coi việc có một làn da trắng là chuẩn mực của cái đẹp. Người Hàn Quốc dường như rất ghét ánh nắng mặt trời, họ sẵn sàng chi trả rất nhiều tiền cho các loại kem dưỡng trắng da bởi nhìn ở góc độ lịch sử, làn da tối màu cho thấy bạn thuộc tầng lớp thấp hơn trong xã hội, phải làm công việc lao động nặng nhọc ngoài trời, còn những người có làn da trắng nhợt nhạt là bởi họ được chăm sóc, tận hưởng ở trong nhà. [1] Trong khi đó ở phương Tây, người ta lại chuộng một làn da nâu rám nắng, họ cho đó là dấu hiệu của một làn da khỏe mạnh. Tiêu chuẩn cái đẹp cũng thay đổi hàng trăm lần trong lịch sử. Dưới thời đại Hy Lạp cổ đại, một người phụ nữ được cho là “Đẹp” là khi họ có thân hình đầy đặn, dáng vẻ mạnh mẽ, làn da trắng. [2] Ở thời hiện đại, chẳng hạn như ở Việt Nam, một người phụ nữ cần phải gầy mới được coi là “chuẩn mực” cho cái đẹp. 
Có thể thấy tiêu chuẩn cho cái đẹp thay đổi một cách nhanh chóng và đa dạng. Vậy tại sao thứ tiêu chuẩn này lại tồn tại? 
Từ khi mới chào đời, không có đứa trẻ nào có ý niệm về một người “đẹp”. Hãy thử cách ly đứa trẻ ấy với mọi phương tiện truyền thông đại chúng và xã hội, chúng chắc chắn sẽ không biết có thứ gọi là “tiêu chuẩn cái đẹp” tồn tại. Như vậy, việc chúng ta nhìn nhận thế nào là đẹp không phải do tự thân chúng ta có khả năng nhận thức và gọi tên được nó. Chúng ta biết bởi vì chúng ta được xem, được nghe, được chứng kiến những hình ảnh, hành động, lời nói từ cả truyền thông và mọi người xung quanh (bị ảnh hưởng bởi nó). Khi truyền thông bắt đầu bùng nổ vào những năm 1950, "các ngôi sao Hollywood da trắng" xuất hiện như đại diện cho một giới tinh hoa và hoàn hảo để quảng cáo các sản phẩm trên khắp thế giới. Người ta chỉ cần bật TV lên, mở một trang báo là có thể thấy hình ảnh những phụ nữ da trắng, mũi cao, tóc vàng, mắt xanh với tỉ lệ cơ thể “hoàn hảo”. [3] Và như một lẽ dĩ nhiên, nếu bạn không nhìn thấy người giống mình trên TV, trong một quảng cáo ở nhà chờ xe buýt hoặc trên các trang tạp chí mà bạn lướt qua, thì rõ ràng bạn sẽ cho rằng vẻ đẹp của bạn không phải là kiểu vẻ đẹp được "tôn vinh". Tiêu chuẩn cái đẹp đã ăn sâu vào trí óc chúng ta như thế. Điều này cũng xảy ra tương tự với những người chịu ảnh hưởng bởi làn sóng Hallyu từ Hàn Quốc với tiêu chuẩn cái đẹp “kiểu Hàn Quốc”. 
Một ví dụ tiêu biểu cho việc truyền thông quảng bá tư tưởng cái đẹp và cách người ta bị nó làm cho ảnh hưởng như thế nào được Carlee Taga từ Đại học Regis viết trong bài luận “Maybe She's Born with It: Analyzing theories of Beauty From Biology, Society and the Media” của mình. [4]  Cụ thể, vào năm 1982, một nghiên cứu sinh đã đến Fiji - một hòn đảo ở phía Nam Thái Bình Dương để phục vụ cho công việc của mình. Lúc này ở Fiji thậm chí còn khan hiếm điện, TV sẽ chưa xuất hiện trong 13 năm tới. Nhưng cô cảm nhận rõ niềm hạnh phúc khi sống cùng cư dân trên đảo bởi sự trân trọng và cách họ tận hưởng đồ ăn, cư dân ở đây cho rằng một người chỉ được coi là “Đẹp” và được “trân trọng” khi họ đẫy đà, đầy đặn. Nhưng khi trở lại đây vào cuối những năm 1990, cô vô cùng ngạc nhiên khi thấy những ảnh hưởng của lý tưởng cái đẹp từ phương Tây đối với văn hóa của hòn đảo nhỏ. Với sự hiện diện của các nhà hát opera và quảng cáo với các người mẫu và nữ diễn viên phương Tây tại Fiji, 11,3% cô gái cho biết họ đã ít nhất một lần bị thúc giục trong việc giảm cân nặng của mình. Trong một cuộc phỏng vấn, một cô gái ở hòn đảo chia sẻ, "Tôi muốn có được cơ thể như họ ... Tôi muốn sở hữu số đo như họ." 
Từ ví dụ này, ta có thể thấy rõ thứ tiêu chuẩn này có thể khiến con người có cái nhìn khác hoàn toàn về bản thân mình, một cách vô thức. Và bởi vì tồn tại tiêu chuẩn cho cái đẹp, không có gì đáng ngạc nhiên khi điều này tạo ra sự bất an và thiếu sự tự tin cho những không phù hợp với các tiêu chí của xã hội. Họ cảm thấy không hài lòng và thậm chí chán ghét cơ thể của mình, ngưỡng mộ cơ thể của những người xa lạ như cách các cô gái ở Fiji cảm thấy. Với họ, hình ảnh của những người phụ nữ đầy đặn, mập mạp từ chỗ được coi là “đẹp” và đáng được trân trọng trở thành “xấu xí” và đáng hổ thẹn. Tương tự như vậy, ngày nay, ngày càng nhiều người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để có chiếc mũi cao hơn, đôi mắt to hơn hay đôi chân dài hơn. Có bao nhiêu người đã từng sử dụng filter trên Facebook/Instagram hay các ứng dụng selfie khi chụp ảnh để “đẹp” hơn? Có bao nhiêu người đã nhịn ăn giảm cân để mua một bộ quần áo phù hợp với xu hướng thời trang hiện tại? Nhờ tâm lý này, ngành công nghiệp mỹ phẩm, công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ nở rộ như nấm mọc sau mưa. Người ta cứ mải chạy theo những thứ vô hình mà không biết bản thân đang bị lợi dụng để trục lợi. 
Từ đây cũng có thể khẳng định được tiêu chuẩn về cái đẹp được tạo ra và dựng lên bởi con người. Vì vậy, dù mỗi cá nhân sẽ có một tiêu chuẩn cái đẹp khác nhau, nhưng trong quá trình hình thành tiêu chuẩn cá nhân ấy, chúng ta đều bị ảnh hưởng cả khách quan lẫn chủ quan bởi tiêu chuẩn của xã hội. Như vậy tiêu chuẩn cái đẹp ở đây là khái niệm mang tính cấu trúc và hoàn toàn không có căn cứ.
Thế nhưng, chúng ta cần phải nhìn vào thực tế: tiêu chuẩn cái đẹp đã, đang và có thể sẽ luôn ở đó. Nó đã và đang ăn sâu vào trí óc con người. Nhu cầu hoàn thiện bản thân của con người là một nhu cầu chính đáng, tuy nhiên những hành động hướng tới mục đích này cần xuất phát từ chính nội tại bản thân mỗi người chứ không nên phụ thuộc vào yếu tố ngoại lai. Chúng ta cần luôn tự hỏi: tại sao mình cần phải làm việc này? Ai nói với mình rằng mình phải làm điều này? Những việc làm của mình có lành mạnh, cả về thể chất và tinh thần hay không? Cách tuyệt vời nhất để ta phá tan những ranh giới mà tiêu chuẩn đặt ra là sự tự nhận thức về bản thân và niềm hạnh phúc với cơ thể của mình. Hãy chấp nhận cơ thể của bạn, chấp nhận rằng cơ thể con người không hoàn hảo và ai cũng có khiếm khuyết. Mọi người yêu thương bạn vì chính bạn-không-hoàn-hảo. Tiêu chuẩn luôn tồn tại, vì nó tạo nên thế giới này. Nhưng tiêu chuẩn tồn tại không có nghĩa chúng ta để nó làm chủ cuộc sống của ta. 

Nguồn tham khảo:
[1]  PAM WRIGHT, B.J, M.ED, “What men find attractive in different parts of the world”, The List, 2017. 
[2]  VANESSA VAN EDWARDS, “Beauty Standards: See How Body Types Change Through History”, Science of People.
[3] Anna Kelsey-Sugg, “We asked experts where beauty ideals come from. They (mostly) disagreed”, ABC National Radio, 2018.
[4] Carlee Taga, “Maybe She's Born with It: Analyzing theories of Beauty From Biology, Society and the Media”, Regis University Publication, 2012.


//TRUNG THU: Nét văn hóa xưa và nay //
(Bài viết đăng page CLB Báo chí và Truyền thông DAV ngày 1/10/2020)
Vậy là lại một năm nữa qua, một mùa trăng tròn lại về. Chắc hẳn trong kí ức mỗi người thuở bé, ngoài việc mong đợi Tết đến để được ăn thỏa thích bánh kẹo, được xúng xính đi chúc tết và nhận lì xì đỏ tươi năm mới, thì Trung thu cũng là dịp đáng để háo hức mong chờ. Tiết trời ngày Trung thu cũng mới dễ chịu làm sao, chớm thu, nắng nhẹ, mát mẻ, ông trăng tròn vành vạnh soi sáng cả con đường. Rồi những đoàn múa lân nhộn nhịp đi qua từng con ngõ nhỏ, những câu hát nghêu ngao “Tùng dinh dinh” với đèn ông sao “năm cánh tươi màu” trên tay đi khắp khu phố. Chúng ta, hẳn là đã có những ngày tháng hồn nhiên và vui vẻ như thế.
Thế nhưng, liệu Trung thu nay có còn giống với những gì ta từng được trải nghiệm? Hãy cùng Nhóm Bút tìm hiểu nhé!
Xã hội ngày càng phát triển, mọi thứ đều sẽ phải thay đổi. Cách chơi Trung thu của mỗi người cũng có sự khác biệt. Tuy nhiên, dù bạn đón Trung thu theo cách nào, hãy chân thành tận hưởng những giây phút quý giá bên gia đình và bạn bè nhé! Bởi lẽ sau cùng, dù là xưa, nay hay sau này, Trung thu luôn là dịp để mỗi người được sống với tuổi thơ của mình.


Writings
Published:

Writings

Published: